Kế toán nội bộ

Các quy định cho doanh nghiệp sản xuất phần mềm

Hiện nay, thời đại công nghệ thông tin đang phát triển, các doanh nghiệp về phần mềm, công nghệ thông tin ngày càng nhiều. Vậy thế nào là doanh nghiệp sản xuất phần mềm và doanh nghiệp sản xuất phần mềm cần tuân thủ những quy định gì, hãy cùng Wacontre tìm hiểu ngay theo bài viết dưới đây nhé! 

Thế nào là doanh nghiệp sản xuất phần mềm?

1. Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản quy định về chức năng nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền cấp;

2. Sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp phải thuộc danh mục quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 8/4/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử;

3. Quy trình sản xuất phần mềm có 7 bước theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, công ty sản xuất phần mềm bắt buộc phải tham gia ít nhất một trong 2 bước đầu tiên: xác định yêu cầu hoặc phân tích và thiết kế. Nếu có tham gia trong bất kỳ công đoạn nào của 7 bước trên, phải có tài liệu chứng minh tác nghiệp tương ứng với công đoạn đó.

Khi đáp ứng các điều kiện nêu trên, doanh nghiệp sản xuất phần mềm có thể nhận các ưu đãi về thuế và ưu đãi đầu tư.

Quy trình 7 bước sản xuất phần mềm theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền Thông

Bước 1: Xác định yêu cầu, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: đưa ra hoặc hoàn thiện ý tưởng về phát triển sản phẩm phần mềm; mô tả các đặc tính (yêu cầu) của sản phẩm, các ngữ cảnh sử dụng sản phẩm; đề xuất, khảo sát, làm rõ yêu cầu đối với sản phẩm phần mềm; phân tích nghiệp vụ; xây dựng yêu cầu hoàn chỉnh đối với sản phẩm phần mềm; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu cầu, khả năng kiểm soát và các cơ sở để xác nhận sự tuân thủ yêu cầu của sản phẩm.

Ví dụ: Bảng báo giá, bảng mô tả sản phẩm, hợp đồng,…

Bước 2: Phân tích và thiết kế, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu (yêu cầu thuộc chức năng và không thuộc chức năng, các vấn đề cần được giải quyết); thiết lập bài toán phát triển; các kỹ thuật phù hợp được thực hiện để tối ưu hóa giải pháp, phân tích về tính đúng đắn và khả năng kiểm tra của phần mềm, phân tích ảnh hưởng của các yêu cầu phần mềm vào môi trường vận hành, các yêu cầu được ưu tiên, chấp thuận và được cập nhật khi cần thiết; mô hình hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải pháp phần mềm; thiết kế giải pháp, thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế dữ liệu, thiết kế kiến trúc của phần mềm, thiết kế các đơn vị, mô đun thành phần phần mềm; thiết kế bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; thiết kế giao diện trải nghiệm khách hàng.

Ví dụ: Hồ sơ phân tích phần mềm (như giao diện, chức năng, bảo mật,…) và sơ đồ thiết kế phần mềm (chức năng của hệ thống, cơ sở quản lý dữ liệu,…)

Bước 3: Lập trình, viết mã lệnh, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun phần mềm; chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh phần mềm; tích hợp các đơn vị phần mềm; tích hợp hệ thống phần mềm.

Bước 4: Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn vị, mô đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử chức năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi; kiểm thử bảo mật, an toàn thông tin cho phần mềm; xác định thỏa mãn yêu cầu khách hàng; nghiệm thu phần mềm.

Ví dụ: Biên bản kiểm tra, chạy thử,…

Bước 5: Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm phần mềm bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả sản phẩm phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài đặt (trong trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói), tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm phần mềm (cho người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); đóng gói sản phẩm phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Bước 6: Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì, bảo hành sản phẩm phần mềm bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như: chuyển giao (trọn gói sản phẩm hoặc quyền sử dụng sản phẩm dưới dạng cho thuê); hướng dẫn cài đặt sản phẩm phần mềm (trường hợp chuyển giao sản phẩm trọn gói); triển khai cài đặt sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng trong trường hợp chuyển giao trọn gói hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ trong trường hợp cho thuê sản phẩm phần mềm); đào tạo, hướng dẫn (người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ); kiểm tra sản phẩm phần mềm sau khi bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; sửa lỗi sản phẩm phần mềm sau bàn giao hoặc sản phẩm phần mềm trên hệ thống cung cấp dịch vụ; hỗ trợ sau bàn giao trong quá trình cho thuê dịch vụ; bảo hành sản phẩm sau bàn giao hoặc trong quá trình cho thuê dịch vụ; bảo trì sản phẩm phần mềm (trên hệ thống của khách hàng hoặc trên hệ thống cung cấp dịch vụ).

Ví dụ: Biên bản thanh lý hợp đồng, biên bản bàn giao sản phẩm,…

Bước 7: Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm, bao gồm một hoặc nhiều tác nghiệp như bán, cho thuê, phân phối, phát hành sản phẩm phần mềm tự sản xuất.

Các ưu đãi dành cho doanh nghiệp sản xuất phần mềm

Ưu đãi thuế Giá trị gia tăng:

Theo quy định, doanh nghiệp sản xuất phần mềm hoặc kinh doanh phần mềm đều thuộc diện không chịu thuế GTGT. 

Ngoài ra, không phân biệt phần mềm gia công, phần mềm do công ty tự sản xuất hay mua để bán, kể cả trường hợp bán phần mềm có kèm theo dịch vụ cài đặt vẫn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Lưu ý: Với đối tượng không chịu thuế GTGT thì trên hóa đơn, thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.

Ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp:

Theo quy định, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho công ty sản xuất phần mềm chỉ áp dụng cho dự án đầu tư mới thỏa các điều kiện:

  • Là dự án thực hiện lần đầu hoặc dự án hoạt động độc lập với dự án đang thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh;
  • Phải được cấp giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Bắt buộc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu dự án đầu tư trong nước gắn với việc thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Doanh nghiệp sản xuất phần mềm đáp ứng các điều kiện trên sẽ được ưu đãi thuế TNDN gồm có:

  • Trong thời hạn 4 năm, doanh nghiệp được miễn thuế TNDN;
  • Trong 9 năm tiếp theo, giảm 50% thuế TNDN phải nộp;
  • Trong thời hạn 15 năm tiếp theo, mức thuế suất thuế TNDN là 10%.

Lưu ý: Thời gian miễn, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên phát sinh doanh thu chịu thuế.

Ưu đãi đầu tư khác:

Hoạt động sản xuất phần mềm còn được hưởng các ưu đãi đầu tư khác như:

  • Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định hoặc các nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất;
  • Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
  • Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Phía trên là những thông tin về Các quy định cho doanh nghiệp sản xuất phần mềm mà Wacontre muốn gửi đến bạn. Mong rằng bài viết trên giúp cho bạn nắm được các thông tin về Các quy định cho Công ty phần mềm.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay tới Hotline (028) 3820 1213 hoặc gửi mail qua hòm thư tư vấn info@wacontre.com để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng. Với đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, Dịch vụ kt.wacontre.com luôn sẵn sàng phục vụ quý khách hàng một cách nhiệt tình và hiệu quả nhất. (Đối với khách hàng Nhật Bản có thể liên hệ qua Hotline: (050) 5534 5505).