Kế toán nội bộ

Các quy định và quy trình ký kết hợp đồng điện tử E-contract năm 2023

Trong thời đại số hoá và hệ thống công nghệ thông tin ngày càng phát triển, mọi người, đặc biệt là các doanh nghiệp luôn muốn áp dụng công nghệ thông tin vào công việc để tiết kiệm thời gian và tối ưu chi phí. Ngày 22/06/2023, Quốc hội ban hành Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 , trong đó có các quy định về việc ký kết hợp đồng điện tử. Hãy cùng Wacontre tìm hiểu khái niệm, quy định cũng như quy trình ký kết hợp đồng điện tử ngay dưới bài viết dưới đây nhé! 

Hợp đồng điện tử là gì?

Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

Trong đó, phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.

Giao kết hợp đồng điện tử là sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng. Lúc này, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng hợp đồng truyền thống.

Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử

1. Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng.

2. Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng.

3. Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.

=> Trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng văn bản giấy.

Điểm giống và khác nhau giữa hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống

1. Điểm giống nhau

– Hợp đồng điện tử cũng là sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên. Về điều này, Bộ luật Dân sự Việt Nam đã khẳng định: “ sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với nhau”.

Dù là hợp đồng truyền thống hay hợp đồng điện tử, dù là hợp đồng được giao kết bằng lời nói, bằng hành vi, bằng văn bản hay bằng các phương tiện điện tử thì điều quan trọng là hợp đồng chỉ hình thành nếu các bên giao kết đạt được sự thỏa thuận rõ ràng, cụ thể về quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Trong đó sự thống nhất ý chí giữa các bên là điều quan trọng nhất dù là loại hợp đồng gì.

– Hợp đồng điện tử khi giao kết hay thực hiện đều phải tuân thủ những chuẩn mực chung nhất của hợp đồng liên quan tới hình thức của hợp đồng, chủ thể của hợp đồng, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, quy trình giao kết hợp đồng, chế độ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và giải quyết tranh chấp phát sinh nếu có.

2. Điểm khác nhau

– Về vấn đề chủ thể, ngoài các chủ thể thông thường là người mua và người bán thì trong hợp đồng điện tử còn có một chủ thể cũng không kém phần quan trọng là các nhà cung cấp dịch vụ mạng và các cơ quan chứng thực chữ ký điện tử.

– Về vấn đề nội dung, hợp đồng điện tử có một số điểm khác biệt với hợp đồng truyền thống như: địa chỉ pháp lý ngoài các địa chỉ pháp lý thông thường hợp đồng điện tử còn có địa chỉ email, địa chỉ website, địa chỉ xác định nơi và ngày giờ gửi fax.

– Với hợp đồng thương mại truyền thống các bên sau khi gặp gỡ, trao đổi, thống nhất bằng các tài liệu giấy tờ và ký bằng tay. Hợp đồng điện tử thì lại có một phương thức giao kết khác, các bên sẽ không mất thời gian gặp gỡ trao đổi và ký tay mà thực hiện giao kết trên các phương tiện điện tử và hợp đồng sẽ được ký bằng chữ ký điện tử.

– Các hợp đồng điện tử chịu sự điều chỉnh chung về hợp đồng trong Bộ luật dân sự còn chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật đặc thù khác về Hợp đồng điện tử như Luật giao dịch điện tử, Luật về giao kết hợp đồng điện tử, Luật về Thương mại điện tử và Luật về chữ ký điện tử (chữ ký số)…

Các ưu điểm và nhược điểm của hợp đồng điện tử

1. Ưu điểm

– Sự tiện lợi, nhanh chóng, minh bạch. Hợp đồng điện tử có thể được ký kết ở bất kỳ đâu, bất cứ khi nào mà không cần phải gặp mặt trực tiếp đối tác, mang đến quy trình, thủ tục thực hiện nhanh chóng, chính xác, minh bạch và giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần bảo vệ môi trường.

– Dễ dàng quản lý, lưu trữ và tìm kiếm. So với hợp đồng giấy thông thường gây tốn kém chi phí quản lý và lưu trữ, thì hợp đồng điện tử đã giải quyết được hết toàn bộ các vướng mắc liên quan đến vấn đề lưu trữ và tìm kiếm. Hơn nữa, với sự hiện đại của công nghệ ngày nay, hợp đồng có thể dễ dàng truy cập, tra cứu các hợp đồng đã ký, hợp đồng chờ ký, hợp đồng trả lại nhờ vào chức năng lọc của hệ thống.

– Tiết kiệm thời gian, chi phí. Với hợp đồng điện tử, mọi thao tác của người dùng từ tạo lập, kiểm duyệt, ký kết, gửi và nhận hợp đồng được xác thực qua internet một cách nhanh chóng, không cần phải tốn kém chi phí thời gian cho việc in ấn, quản lý, lưu trữ, chuyển phát hợp đồng hay di chuyển đến địa điểm để ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng.

2. Nhược điểm

– Do hợp đồng điện tử mang tính phi biên giới, vì vậy khi xảy ra tranh chấp, rất khó xác định được địa điểm giao kết hợp đồng, đặc biệt là trong các giao dịch quốc tế. Do đó để đảm bảo các rủi ro được giải quyết bởi một cơ quan tài phán hoặc một cơ chế xử lý các bên cần có thêm các thỏa thuận để xác định rõ việc này.

– Do tính phi vật chất, vô hình của hợp đồng, khi có tranh chấp cũng rất bất tiện khi không chứng minh được bản gốc và chữ ký gốc. Do đó trong trường hợp này các bên cần có sự xác định rõ ràng về bên thứ 3 trong việc xác định chữ ký số hoặc và các điều kiện tương tự có hiệu lực của hợp đồng được xác định cụ thể.

– Có thể xảy ra trường hợp mất hoặc bị tiết lộ dữ liệu, việc này có thể xảy ra khi các bên ủy quyền cho bên thứ ba lưu trữ thông tin hoặc chứng thực dữ liệu. Vấn đề lộ thông tin do hacker mạng tấn công cũng là một trong những rủi ro cho các bên trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

– Vấn đề lừa đảo cũng là rủi ro lớn khiến các doanh nghiệp Việt Nam còn e dè chưa tiếp cận đối với hợp đồng điện tử.

Phía trên là những thông tin về hợp đồng điện tử mới nhất mà chúng tôi muốn giới thiệu cho bạn. Mong rằng bài viết trên giúp ích cho các doanh nghiệp hiểu rõ về phương thức hợp đồng điện tử này.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay tới Dịch vụ kế toán Wacontre theo Hotline (028) 3820 1213 hoặc gửi mail qua hòm thư tư vấn info@wacontre.com để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng. Với đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, Wacontre luôn sẵn sàng phục vụ quý khách hàng một cách nhiệt tình và hiệu quả nhất. (Đối với khách hàng Nhật Bản có thể liên hệ qua Hotline: (050) 5534 5505)